Học lái online

CHƯƠNG 10
ĐẠO ĐỨC NGƯỜI LÁI XE VÀ VĂN HÓA GIAO THÔNG

1.1. Đạo đức nghề nghiệp của người lái xe

– Rèn luyện, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp sẽ:

+ Được khách hàng, xã hội tôn trọng; được đồng nghiệp quý mến, giúp đỡ; được doanh nghiệp tin dùng và đóng góp nhiều cho xã hội.

+ Thu hút được khách hàng, góp phần quan trọng trong xây dựng thương hiệu, kinh doanh có hiệu quả cao.

– Để thường xuyên rèn luyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp, người lái xe phải:

+ Yêu quý xe, quản lý và sử dụng xe tốt; bảo dưỡng xe đúng định kỳ; thực hành tiết kiệm vật tư, nhiên liệu; luôn tu dưỡng bản thân, có lối sống lành mạnh, tác phong làm việc công nghiệp.

+ Nắm vững các quy định của pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật, lái xe an toàn; coi hành khách như người thân, là đối tác tin cậy; có ý thức tổ chức kỷ luật và xây dựng doanh nghiệp vững mạnh; có tinh thần hợp tác, tương trợ, giúp đỡ đồng nghiệp.

1.2. Những quy định về trách nhiệm, quyền hạn của người sử dụng lao động, của người lái xe trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

– Người lái xe vận tải hàng hóa cần thực hiện những nhiệm vụ:

+ Thực hiện nghiêm chỉnh những nội dung hợp đồng giữa chủ phương tiện với chủ hàng trong việc vận chuyển và bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển.

+ Không chở hàng cấm, không xếp hàng quá trọng tải của xe, quá trọng tải cho phép của cầu, đường; khi vận chuyển hàng quá khổ, quá tải, hàng nguy hiểm, hàng siêu trường, siêu trọng phải có giấy phép.

– Người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải hành khách phải:

+ Kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn của xe trước khi khởi hành; có thái độ văn minh, lịch sự, hướng dẫn hành khách ngồi đúng nơi quy định; kiểm tra việc sắp xếp, chằng buộc hành lý, bảo đảm an toàn.

+ Có biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của hành khách đi xe, giữ gìn trật tự, vệ sinh trong xe; đóng cửa lên xuống của xe trước và trong khi xe chạy.

1.3. Văn hóa giao thông

– Khái niệm về văn hóa giao thông:

+ Là sự hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông.

+ Là ý thức trách nhiệm với cộng đồng khi tham gia giao thông.

+ Là ứng xử có văn hóa, có tình yêu thương con người trong các tình huống không may xảy ra khi tham gia giao thông.

– Các tình huống ứng xử khi tham gia giao thông:

+ Người lái xe có văn hóa khi tham gia giao thông phải có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng; tôn trọng, nhường nhịn người khác; tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông gặp hoạn nạn; giúp đỡ người khuyết tật, trẻ em và người cao tuổi.

+ Trên làn đường dành cho ô tô có vũng nước lớn, có nhiều người đi xe mô tô trên làn đường bên cạnh, người lái xe ô tô cần giảm tốc độ cho xe chạy chậm qua vũng nước.

+ Người lái xe cố tình không phân biệt làn đường, vạch phân làn, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đường một chiều là thiếu văn hóa giao thông.

+ Người lái xe mô tô có văn hóa giao thông phải chấp hành quy định về tốc độ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường khi lái xe; chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của người điều khiển giao thông; nhường đường cho người đi bộ, người già, trẻ em, người khuyết tật.

+ Người lái xe mô tô có văn hóa giao thông phải điều khiển xe đi bên phải theo chiều đi của mình; đi đúng phần đường, làn đường quy định; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, cài quai đúng quy cách.

+ Người lái xe ô tô, mô tô có văn hóa giao thông phải  điều khiển xe đi bên phải theo chiều đi của mình; đi đúng phần đường, làn đường quy định; dừng, đỗ xe đúng nơi quy định; đã uống rượu, bia thì không lái xe.

+ Người có văn hóa giao thông khi điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển; xe cơ giới đảm bảo các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; nộp phí sử dụng đường bộ theo quy định.

+ Trong đoạn đường hai chiều tại khu đông dân cư đang ùn tắc, người điều khiển xe mô tô hai bánh có văn hóa giao thông sẽ kiên nhẫn tuân thủ hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc tín hiệu giao thông, di chuyển trên đúng phần đường bên phải theo chiều đi, nhường đường cho các phương tiện đi ngược chiều để nút tắc nhanh chóng được giải tỏa.

+ Trên đường đang xảy ra ùn tắc những hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông là: bấm còi liên tục thúc giục các phương tiện phía trước nhường đường;  đi lên vỉa hè, tận dùng mọi khoảng trống để nhanh chóng thoát khỏi nơi ùn tắc; lấn sang trái đường cố gắng vượt lên xe khác.

1.4. Thực hành cấp cứu khi xảy ra tai nạn giao thông

+ Khi xảy ra tai nạn giao thông, người lái xe và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn phải đặt các biển cảnh báo hoặc vật báo hiệu ở phía trước và phía sau hiện trường xảy ra tai nạn để cảnh báo; kiểm tra khả năng xảy ra hỏa hoạn do nhiên liệu bị rò rỉ; bảo vệ hiện trường vụ tai nạn và cấp cứu người bị thương.

+ Khi xảy ra tai nạn giao thông, có người bị thương nghiêm trọng, người lái xe và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn phải thực hiện sơ cứu ban đầu trong trường hợp khẩn cấp; thông báo vụ tai nạn đến cơ quan thi hành pháp luật.

+ Khi sơ cứu ban đầu cho người bị tai nạn giao thông đường bộ không còn hô hấp, người lái xe và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn phải đặt nạn nhân nằm ngửa, khai thông đường thở của nạn nhân và thực hiện các biện pháp hô hấp nhân tạo.

+ Khi sơ cứu người bị tai nạn giao thông đường bộ, có vết thương chảy máu ngoài, màu đỏ tươi phun thành tia và phun mạnh khi mạch đập, bạn phải thực hiện cầm máu không trực tiếp (chặn động mạch).

+ Nghiêm cấm hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm hoặc khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông hoặc xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn.

Câu hỏi ôn tập

Các câu hỏi về văn hóa giao thông và đạo đức người lái xe